Pages

Friday, May 17, 2013

Chủ nghĩa dân tộc do thái


Do Thái là một hiện tượng đáng được xem xét vì nó liên quan đến một tôn giáo cổ xưa nhất trong lịch sử loài người (Do Thái Giáo – Judaism), đồng thời nó cũng gắn liền với những xu hướng điển hình trong thế kỷ 20: di dân, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc.

Do thái giáo:

Xưa kia những người Hebrew cho rằng họ đều là con cháu của Abraham, một nhà tiên tri được sinh ra vào thế kỷ 17 trước công nguyên. Người Hebrew khi đó sau khi thoát khỏi cảnh giam cầm của đế quốc Babylon theo Abraham đến vùng đất bờ biển phía đông Địa trung hải để tìm nơi cư trú và lập một tôn giáo mới cho người Hebrew. Con trai của Abraham là Isaak, và cháu là Jacob đều là những người kế nghiệp Abraham khai sinh và truyền bá đạo Do Thái. Theo chân Jacob người Hebrew đến Ai cập, nhưng sau đó bị đối xử như những nô lệ, để rồi 250 năm sau một lãnh tụ tên là Mose đưa họ quay lại vùng đất mà Abraham đã từng tiên tri là vùng đất Chúa dành riêng cho con cháu ông. Sau này khi người Hebrew lớn mạnh họ lại bị chia làm hai nước, Israel và Juda. David là vua của Israel nổi tiếng bởi tài quân sự và được coi là người có công xây thành Jerusalem (khoảng 1100 tr CN) và thống nhất dân tộc Do Thái. Cũng từ đó người Do Thái mang biểu tượng của David với ngôi sao 6 cánh.

Đạo Do Thái cổ xuất hiện rất sớm và nó được coi là nguồn gốc của Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Cả ba đạo này đều tin vào kinh cựu ước, một trong những cuốn sách cổ xưa nhất của loài người và đều cho rằng chúa chỉ có một, Jehova (Allah) chúa của muôn loài. Tương đương với hình ảnh chúa Jesu, đạo Do Thái thờ Mose như là ông tổ của đạo.

Di cư và làm giầu:
Có nguồn gốc từ dân du mục được gắn bó bằng niềm tin tôn giáo, người Do Thái di cư và cư trú rất nhiều quốc gia khác nhau, đông nhất là ở Bắc Mỹ (6,5tr), thứ nhì ở Israel (4,7tr) và ở các nước EU (2,3tr). Điều đáng chú ý là suốt 4000 năm tồn tại số lượng người dân Do Thái không thay đổi nhiều, dù sống đan xen với các tôn giáo khác.

Trong cuốn Torah , cuốn kinh thánh quan trọng nhất của tôn giáo này, mô tả những cuộc di dân vĩ đại của người Do Thái về miền đất thánh. Khi đó họ chỉ là những nô lệ cho đế quốc Babylon hoặc cho các hoàng đế Ai cập. Trên mảnh đất mà ngày nay gọi là Palestine, có thành Jerusalem, là nơi xuất phát của nhiều tôn giáo. Người Do Thái tin rằng đó chính là mảnh đất mà Chúa đã hứa là sẽ tặng riêng cho họ, từ đó người Do Thái gọi là miền đất hứa. Lịch sử cũng có ghi lại những vị vua của quốc vương Do Thái từng cai trị tại đó. Thế nhưng đây cũng là nơi mà đạo Kito và đạo Islam cũng coi là mảnh đất thiêng của họ. Vì thế mà có 7 cuộc thập tự chinh của những người Thiên chúa giáo giải phóng cho miền đất thánh. Và ngày nay người Hồi giáo cũng không muốn nhường mảnh đất này hoàn toàn cho người Do Thái. Chiến tranh tôn giáo liên miên làm người Do Thái phải phân tán khắp nơi, tuy nhiên tôn giáo này vẫn duy trì được những truyền thống riêng để rồi sau này tồn tại như một dân tộc.

Từ thế kỷ 15 người Do Thái di cư sang châu Âu, họ xuất hiện nhiều đặc biệt ở phần đông Âu (Balan, Nga), rồi chuyển dần sang tây Âu vào thế kỷ 18. Tôn giáo này cố gắng chịu tồn tại xen kẽ với các tôn giáo khác mà không gây xung đột - sensible and tolerant, họ cũng bắt đầu chấp nhận cả những người không cùng chủng tộc trong sinh hoạt tôn giáo. Có cả những người Do Thái có nguồn gốc Nga, Đức, Nhật... Gần như họ đã hoà nhập vào cuộc sống tại châu Âu trong khi chỉ còn lưu giữ chung một niềm tin tôn giáo. Như vậy người Do Thái tồn tại trong xã hội châu Âu có hai mặt, họ tồn tại được nhờ tiếp cận được văn hoá châu Âu (thời phục hưng và kỷ nguyên ánh sáng), đồng thời luôn có đời sống riêng của cộng đồng dựa trên đức tin vào Do Thái Giáo.

Dân Do thái làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Mới đầu họ làm nghề thủ công và làm nông nghiệp. Đáng chú ý là người Do thái thường thành công trong việc làm giầu, nhất là khi họ chuyển sang thương mại, mở cửa hàng buôn bán. Sau này khi châu Âu phát triển công nghiệp những nhà tư bản gốc Do thái chiếm một phần đáng kể. Tất nhiên đi đôi với tích luỹ tư bản bao giờ cũng bị mang tiếng là tham lam, ky cóp và bóc lột. Sự thành công của người Do Thái trong làm ăn buôn bán lại làm cho họ lại bị xua đuổi. Ở Nga năm 1881, chế độ Nga Hoàng có chính sách xua đuổi người Do Thái vì thế gây ra hàng loạt vụ giết người Do Thái. Chính vì sự kỳ thị này mà bác sĩ Leon Pinsker đã viết cuốn "Autoemanzipation" -tự giải phóng, xuất bản ở Odessa-1882 để lên tiếng bảo vệ người Do Thái. Pinsker cũng được coi là người đầu tiên của phong trào Zionism - phong trào phục quốc Do Thái. Năm 1892 người Pháp kết tội một số nhà tư bản Do Thái là nguyên nhân phá sản của công ty Panama-kanal, đẩy nước Pháp vào khủng hoảng kinh tế. Năm 1894 Dreyfus, một người gốc Do Thái, bị kiện ra toà án sử tội phạm chiến tranh. Vụ Dreyfusaffair này làm dấy lên phong trào Antisemitism - phong trào bài Do Thái. Mặc dù Dreyfus sau này được minh oan nhưng giường như ngọn lửa tức giận đã bùng lên và không thể dập tắt được nữa. Người Do Thái bị lên án ở khắp châu Âu. Đặc biệt ở Đức, dưới chế độ Hitler tháng 11 năm 1938 được gọi dưới cái tên Novemberpogrom, hàng loạt cửa hàng, tài sản của người Do Thái bị đập phá. Sau những vụ này người Do Thái di cư phần lớn sang Mỹ , một số ít sang Canada và Argentina. Những gì diễn ra tiếp theo trong chiến tranh thế giới thứ 2 thì không nói mọi người cũng đã biết.

Sau khi thành lập nhà nước Israel năm 1948 trên mảnh đất Palestine, người Do Thái kêu gọi nhau về xây dựng đất nước, họ lại lục đục kéo về. Nhưng trước sự chống phá của người Hồi giáo làm cho cuộc sống trở lên bất ổn một số người Do Thái lại tìm cách ra đi. So với các sắc dân thiểu số di cư khác thì người Do Thái là người thành công nhất trên thương trường cũng như trong chính trị.

Từ việc di dân của người Do Thái có thể rút ra kết luận là: Tôn giáo và văn hoá nói chung có thể tồn tại đan xen, nhưng cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn trước khi đi đến hoà giải. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, sự di dân sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, nó sẽ làm nảy sinh các vấn đề văn hoá xã hội phức tạp còn khó khăn hơn cả những gì đã diễn ra với người Do Thái.

Zionism: (Zion là tên một ngôi đền Do thái)

Phong trào phục quốc Do thái xuất hiện trên quan điểm cho rằng người Do thái ở châu Âu bị thiệt thòi trong các mâu thuẫn với các dân tộc khác bởi do không có một nhà nước bảo vệ họ. Nhà văn người Áo, Theodor Herzl, chính thức đưa ra quan điểm này năm 1896 với tác phẩm "Nhà nước Do thái". Một năm sau, 1897, hội nghị đầu tiên được tổ chức tại Basel đưa ra tuyên bố kêu gọi thành lập nhà nước Israel trên mảnh đất Palestine. Đồng thời kêu gọi tất cả những người Do thái trở về xây dựng quốc gia. Năm 1909 ra đời thành phố đầu tiên cho người Do thái, thành phố Tel Aviv. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất người Do thái chỉ chiếm 10% dân số ở Palestine. Tuy nhiên con số này tăng lên nhanh chóng, dần gây ra mâu thuẫn với người Arập đang sống tại đó. Cùng với phong trào Zionism, ở châu Âu xuất hiện phong trào Antisemistism chính là nhằm chống đối lại. Hai phong trào này gần như cân bằng cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Người Đức tưởng họ dứt điểm được Zionism, nhưng đâu ngờ họ chính là nguyên nhân sâu xa của việc ra đời nhà nước Israel vào năm 1948. Người ta không nghi ngờ gì là ngưòi Do Thái quá thiệt thòi do không có nhà nước riêng bảo vệ họ. Liên hiệp quốc, khi nó mới được thành lập, cũng không ngờ hậu hoạ của một quyết định mang đầy tính nhân đạo lại biến trung đông thành lò lửa chiến tranh tôn giáo. Sự ra đời của nhà nước Israel còn phải kể đến đóng góp của Anh, Mỹ và Vatican.

Phong trào zionism xuất hiện trong thập kỷ 19-20, là thập kỷ của những phong trào quốc tế, cho ta thấy chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vẫn còn đang đan xen lẫn nhau, cả hai đều có lúc dâng lên rồi chìm xuống, chưa biết sẽ ngã ngũ ra sao trong thế kỷ 21.

No comments:

Post a Comment